Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

BVSC khuyến nghị vượt trội cổ phiếu FPT với kỳ vọng lãi 23%

Theo báo cáo phân tích mới nhất của Chứng khoán Bảo Việt, nếu tính cả yếu tố thoái vốn ở hai mảng phân phối và bán sỉ xuống dưới 49%, doanh thu 2017 FPT có thể ghi nhận 19.539 tỷ đồng, giảm 51,8%; nhưng lợi nhuận trước thuế lại tăng 14,9%.

quy-i2018-fpt-retail-se-len-sa-1927-7053

FPT Software đang thực hiện chiến lược 1B2020 - 1 tỷ USD vào năm 2020, và dự kiến tăng trưởng qua kênh M&A sẽ đóng góp 1/3 doanh số, bên cạnh mức tăng trưởng tự nhiên khoảng 30% mỗi năm.

BVSC ước tính, doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT có thể đạt 6.364 tỷ đồng, tăng trưởng 22,5% trong năm 2017. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế mảng này có thể đạt 17%, cao hơn 0,5% so với năm 2016 do các thị trường đã đi vào hoạt động ổn định. Theo đó, lợi nhuận trước thuế mảng xuất khẩu phần mềm có thể đạt 1.082 tỷ đồng, tăng trưởng 26,5% so với năm 2016.

“Với đặc thù ngành phần mềm, lập trình viên là đối tượng chính tạo ra doanh thu, với quy mô nhân sự càng lớn công ty càng có nhiều cơ hội tiếp xúc và thực hiện các dự án phức tạp với các tập đoàn lớn trên thế giới”, báo cáo nêu.

Hiện quy mô của FPT Software trên 10.000 lập trình viên, chiếm khoảng 10% tổng nhân lực trong lĩnh vực phần mềm của VN và tương đương với công ty Top 15 của Ấn Độ. FPT cũng đặt mục tiêu nâng quy mô lên 30.000 nhân viên vào năm 2020 tương đương với mức tăng trưởng trung bình khoảng 30% về nhân lực mỗi năm. “Lợi thế về nhân sự này mang lại cơ hội cho FPT Software tiếp cận các tập đoàn lớn và mang lại nhiều hợp đồng giá trị cao”.

Cạnh đó, FPT Japan hiện là công ty dịch vụ công nghệ thông tin VN lớn nhất ở Nhật Bản. Với gần 5.000 nhân viên đang làm việc cho thị trường này, BVSC ước tính doanh thu từ thị trường Nhật Bản của FPT Software đạt 3.500 tỷ đồng trong năm 2017, tăng 25%.

Các thị trường khác cũng đạt mức tăng trưởng khả quan. Cụ thể, năm 2017, thị trường Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng 22% tương đương 1.238 tỷ đồng doanh thu. Thị trường châu Âu có thể tăng 10%, tương đương doanh thu 809 tỷ đồng. Thị trường châu Á - Thái Bình Dương ước đạt mức tăng trưởng mạnh 30%, tương đương 817 tỷ doanh thu.

Với trong nước, BVSC ước tính mảng giải pháp phần mềm sẽ có doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2017 có thể đạt 1.405 tỷ và 105 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 12% và 40% so với cùng kỳ năm trước.

Mảng tích hợp hệ thống giành được nhiều hợp đồng lớn trong tháng 8, ngoài ra FPT còn triển khai nhiều dự án lớn với tổng giá trị hợp đồng lên đến 60 triệu USD ở Bangladesh. Trong năm nay, doanh thu và lợi nhuận trước thuế mảng tích hợp của FPT có thể tăng lần lượt 15% và 35%.

Sau hai thương vụ thoái vốn mảng bán sỉ và phân phối, dự kiến đến cuối năm, FPT chỉ sở hữu 48% FPT Trading và 45% ở FPT Retail. “Do vậy, hai công ty này chỉ được coi là công ty liên kết, doanh thu sẽ không hợp nhất vào kết quả cuối năm mà chỉ ghi nhận lợi nhuận từ công ty liên kết”, BVSC nhận định.

Cụ thể, ở mảng phân phối, đối tác mua lại phần vốn của FPT ở FPT Trading là Tập đoàn Synnex. Ở thương vụ này, Synnex phải trả cho FPT 932 tỷ đồng bao gồm một lượng cổ phần ở FPT Trading và khoản lợi nhuận chưa phân phối của FPT Trading được phát hành cho Synnex, tổng giá trị Synnex sở hữu sau phát hành là 47%.

FPT cũng sẽ bán 5% cổ phần ở FPT Trading cho các cán bộ có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của công ty trong năm nay, qua đó làm giảm tỷ lệ sở hữu của FPT ở FPT Trading về 48%.

co-tuc-fpt-7114-1507521578.jpg

Với những phân tích và kiểm tra tiềm năng tích cực, cổ phiếu FPT đã phục hồi nhẹ trong 3 phiên cuối tuần qua. Ảnh: TNO.

BVSC ước tính doanh thu và lợi nhuận từ mảng phân phối ghi nhận trong năm nay vào khoảng 12.016 tỷ đồng và 279 tỷ đồng, giảm lần lượt 3,5% và 1,8% trong trường hợp chưa tính đến yếu tố thoái vốn. Nếu xét yếu tố thoái vốn, FPT sẽ chỉ ghi nhận khoảng 243 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế từ mảng này trong năm nay.

Đối với mảng bán sỉ, FPT đã bán 30% cổ phần ở FPT Retail cho Vina Capital và Dragon Capital với định giá trên 130 triệu USD, tương ứng 2.951 tỷ đồng. Đồng thời, FPT cũng sẽ bán 10% cổ phần cho các nhà đầu tư cá nhân để tạo thanh khoản phục vụ mục tiêu niêm yết trên HOSE vào đầu năm 2018.

Chứng khoán Bảo Việt ước tính, doanh thu và lợi nhuận từ bán sỉ trong năm nay có thể đạt 13.125 tỷ đồng và 360 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và 39%.

BVSC nhận định, quý III FPT sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao do các mảng công nghệ, viễn thông và bán sỉ vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt, trong khi mảng phân phối của FPT đã bắt đầu thoát khỏi xu hướng suy giảm và có tăng trưởng nhẹ trong quý này.

Sau thoái vốn, cơ cấu doanh thu của FPT sẽ đặc trưng cho một công ty về công nghệ - viễn thông với 95% doanh thu đến từ hai mảng này. Mặc dù không còn ghi nhận doanh thu, FPT vẫn sẽ ghi nhận lợi nhuận từ hai mảng thoái vốn theo tỷ lệ sở hữu, do đó, lợi nhuận 2018 được dự báo vẫn ghi nhận tăng trưởng ở mức 9,1% so với 2017.

“Việc thoái vốn cũng mang lại cho FPT lượng tiền để doanh nghiệp có thể tập trung phát triển hai mảng viễn thông và phần mềm thông qua M&A”, báo cáo phân tích dự đoán.

Trong năm 2017, nếu phương án không còn hợp nhất mảng phân phối và bán sỉ, doanh thu của FPT sẽ giảm, tuy nhiên lợi nhuận vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan, EPS (lãi trên cổ phiếu) từ hoạt động kinh doanh cốt lõi trong năm 2017 có thể đạt 4.306 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức P/E hiện đạt 11 lần, chưa tính đến lợi nhuận từ thoái vốn có thể làm tăng EPS đến 6.089 đồng/cổ phiếu.

“Trong năm 2018, yếu tố chính ảnh hưởng tới diễn biến cổ phiếu FPT là triển vọng sau thoái vốn mà theo chúng tôi, triển vọng này khá tích cực. Vì vậy, chúng tôi duy trì khuyến nghị Outperform (vượt trội) đối với cổ phiếu FPT, mức giá kỳ vọng là 60.000 đồng/cổ phiếu.

Thống kê trong tuần qua, FPT có 2 phiên giảm và 3 phiên tăng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT không biến động và vẫn giữ nguyên mức giá 48.750 đồng/cổ phiếu. So với mức giá kỳ vọng là 60.000 đồng/cổ phiếu, giá hiện thời của cổ phiếu FPT còn thấp hơn 23%.

>>Chủ tịch FPT làm Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ

Nguyên Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét