Ngày 27/3, chia sẻ với truyền thông, đại diện nhà mạng VNPT cho biết, do gặp khó khăn trong việc sửa cáp, tuyến cáp quang biển Asia - America Gateway (AAG) phải đến ngày 5/4 mới được khắc phục xong.
AAG gặp sự cố khoảng 20h ngày 18/2 ở hướng kết nối VN với Hong Kong. Đơn vị điều hành AAG xác định vị trí lỗi cách trạm South Lantau, Hong Kong, khoảng 87 km. Vị trí này nằm trong vùng biển của Trung Quốc.
Ngay sau khi tuyến cáp bị đứt, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ở VN đều đã triển khai các phương án để hạn chế mức độ tác động đến chất lượng dịch vụ cung cấp cho các khách hàng. |
Với tuyến cáp quang biển Liên Á - IA, sự cố đầu tiên xảy ra từ giữa tháng 1 (nhánh S1) và sau đó đơn vị vận hành phát hiện thêm lỗi mới (nhánh S9). Trong thông báo mới nhất gửi đến các nhà mạng VN, hãng Tata, đơn vị quản lý phân đoạn Singapore của tuyến cáp IA (Intra - Asia - Liên Á), thời gian dự kiến sửa xong nhánh S1 hướng Singapore của tuyến bị lùi đến ngày 1/4, thay vì sửa xong vào 25/3 như lịch cũ. Và đơn vị quản lý cũng xác định ngày 5/4, nhánh S9 hướng Hong Kong của tuyến cáp Liên Á mới bắt đầu khắc phục lỗi.
Đây là trường hợp hy hữu khi hai tuyến cáp quốc tế quan trọng với VN cùng gặp sự cố. Ngay khi hai tuyến cáp AAG và IA bị lỗi, các nhà mạng trong nước đã mở ứng cứu lưu lượng tuyến bằng các nguồn dự phòng để lưu thoát lưu lượng Internet quốc tế.
Tuyến cáp quang biển Liên Á được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009 với tổng chiều dài là 6.800 km, kết nối Singapore, VN, Philippines, Hong Kong và Nhật Bản. Tại VN, tuyến cáp quang cập bờ ở Vũng Tàu. Hệ thống có tốc độ truyền dữ liệu theo thiết kế là 3,84 Tbit/giây với tổng vốn đầu tư ban đầu cho tuyến cáp này là 200 triệu USD.
Tuyến cáp quang biển quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (AAG) có chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ.
Mới đây, 4 nhà mạng ở Việt nam vừa đưa vào khai thác tuyến cáp quang biển Asia Pacific Gateway (APG) được kỳ vọng giúp Internet từ VN đi quốc tế nhanh hơn. APG có băng thông 54 Tb/s, gấp nhiều lần so với mức 2,88 Tb/s của AAG. Tổng chiều dài tuyến cáp APG là 10.400 km, có giá trị đầu tư toàn tuyến khoảng 600 triệu USD.
>>Giá sim di động ở Myanmar giảm hơn 1.000 lần sau 10 năm
Nguyên Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét