Ngày 11/7, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký quyết định phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đến năm 2020.
Cụ thể, theo phương án phân loại, sắp xếp doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020, có hai doanh nghiệp SCIC tiếp tục đầu tư nắm giữ là Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (SIC), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT.
SCIC vẫn muốn giữ lượng cổ phần hiện thời ở FPT Telecom. |
Trong quyết định của Phó thủ tướng, có 5 doanh nghiệp SCIC thực hiện cổ phần hóa và bán vốn và 132 doanh nghiệp thực hiện bán vốn Nhà nước trong giai đoạn 2017-2020.
Theo lãnh đạo Chính phủ, việc sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC nhằm tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ nhằm đưa Tổng công ty thực sự trở thành một công cụ, kênh truyền vốn Nhà nước; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ở doanh nghiệp.
Trước đó, tháng 10/2016, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản cho phép SCIC "chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn ở 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất".
Trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có Vinamilk, FPT, FPT Telecom, Nhựa Bình Minh... Cụ thể, SCIC sẽ thoái hoàn toàn 6% lượng cổ phiếu FPT đang sở hữu và 50,16% ở FPT Telecom. Tuy nhiên, trong buổi thông tin với báo chí ngày 19/4, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC, cho biết, đơn vị đã báo cáo Thủ tướng về việc giữ lại phần vốn ở FPT Telecom.
Hiện SCIC là cổ đông lớn thứ hai ở FPT sau Chủ tịch Trương Gia Bình (7,14%). SCIC cũng có một đại diện trong HĐQT FPT là ông Lê Song Lai, PTGĐ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước.
Trong nhóm 100 doanh nghiệp thoái vốn năm nay còn có những cái tên hot trên thị trường chứng khoán như: Nhựa Bình Minh (SCIC năm 30%), Nhựa Tiền Phong (37%) hay Bảo hiểm Bảo Minh (51%), Vinaconex, Ngân hàng Hàng Hải...
Năm 2016, doanh thu FPT đạt 40.545 tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm 2015. Lợi nhuận hợp nhất đạt 3.014 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm trước. Năm nay, FPT đặt kế hoạch doanh thu 46.619 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016 và lợi nhuận trước thuế đạt 3.408 tỷ đồng, tăng 13%.
Kết thúc 5 tháng đầu năm 2017, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 16.366 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 103% kế hoạch lũy kế 5 tháng. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 1.166 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, tương đương 107% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận sau thuế đạt 977 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Khối Công nghệ - Viễn thông ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, chiếm 75% tổng lợi nhuận toàn Tập đoàn FPT. Cụ thể, LNTT của khối Công nghệ và Viễn thông tăng lần lượt là 31% và 21% so với cùng kỳ năm trước.
>>Giá trị thương hiệu FPT hơn 176 triệu USD
Nguyên Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét