Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Bí mật tăng trưởng của FPT Software nằm trong... một bài hát

Anh Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, là diễn giả trong hội thảo "Chiến lược cạnh tranh - Tăng trưởng hay là chết" do Viện Quản trị kinh doanh FPT (FSB) tổ chức tối ngày 14/5, ở TP HCM. Tại đây, anh Tiến đã giới thiệu lý thuyết cạnh tranh hiện đại do anh tự đúc kết, phân tích những chiến lược của các "đại gia" thế giới, của FPT và đặc biệt là câu chuyện phía sau sự tăng trưởng thần kỳ của FPT Software.

DSC-7167-JPG-5350-1494839546.jpg

Gần 200 người đã đến tham dự hội thảo "Chiến lược cạnh tranh - Tăng trưởng hay là chết" với diễn giả Hoàng Nam Tiến.

Trong vòng 5 năm qua, FPT Software giữ tăng trưởng hằng năm xấp xỉ 30%, doanh thu năm 2016 đạt 230 triệu USD, gấp 3,7 lần năm 2011, cùng tập KH là những doanh nghiệp tên tuổi của thế giới. Thế nhưng, không nhiều người biết rằng định hướng chiến lược, giúp công ty bước ra "biển lớn" lại có thể tìm thấy trong một bài hát có thể tìm kiếm dễ dàng trên YouTube với từ khóa "We're FSoft".

Đó là tiết mục do chính anh Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, trình diễn cùng anh Nguyễn Thành Lâm, nguyên TGĐ FPT Software, ở Lễ tổng kết (Sum-up) FPT Software đầu năm 2012, trên nền nhạc của trích đoạn vở opera nổi tiếng "Bóng ma trong nhà hát". Bài hát đề cập tất cả những từ khóa như "tăng trưởng, đoàn kết, mang trí tuệ ra thế giới". Theo anh Tiến, cho đến nay, FPT Software vẫn bền chí theo đuổi chiến lược đó, gắn liền với những định vị mới như SMAC, IoT, chuyển dịch số (digital transformation), Cách mạng công nghiệp 4.0.

Từ ví dụ về bài hát, anh Tiến đưa ra công thức cho một chiến lược hiệu quả, đó là "Đơn giản, độc đáo và ai cũng thấy phần của mình trong đó". Ca khúc chiến lược của anh Tiến được hàng nghìn nhân viên của anh chia sẻ, mang tới khí thế làm việc mới cho công ty. "Các bạn hãy thử làm đi, nếu sau khi trình bày chiến lược, yêu cầu những người trong phòng viết lại nội dung mà ai cũng lan man và không giống nhau thì định hướng đã sai, không đủ rõ ràng", anh Tiến mách nước cho những nhà quản lý, lãnh đạo tham gia chương trình.

Tất nhiên, ngoài lời ca, anh Tiến là người dám đưa ra những con số "động trời" lúc đó như tăng doanh thu từ 62 triệu USD (2011) lên 100 triệu USD (2013). "Tốc độ quyết định của người lãnh đạo là rất quan trọng, không được chần chừ và luôn phải chỉ ra hướng đi cho cả đoàn người trong trạng thái thông tin không đầy đủ", anh Tiến phân tích. Anh cho rằng người lãnh đạo dám đưa ra những mục tiêu lớn, với khẩu hiệu in hằn trong đầu "tăng trưởng nhanh hay chết chậm rãi", thì mới đủ sức đưa công ty đi lên.

DSC-7133-JPG-5705-1494839546.jpg

Chủ tịch FPT Software cho rằng công ty không phải là gia đình mà là một đội bóng. "Người lãnh đạo, huấn luyện viên phải làm cho tất cả từ cầu thủ ngôi sao, anh dự bị đến những người phục vụ phải cố gắng bằng những cơ chế thưởng phạt", anh Tiến nói.

"Lúc tôi quyết định đưa ra con số 100 triệu USD điên rồ đó cũng là lúc tôi biết bản thân phải dồn mọi tâm sức cho mục tiêu đó. Tự nhiên khi ấy, bao nhiêu "thần tiên" cứ vây quanh bàn làm việc. Năm 2013, chúng tôi đạt con số 100 triệu USD thật và đến 2016 thì lập thêm mốc mới, trên 200 triệu USD". Anh Tiến tâm sự thậm chí đã ngừng chơi môn thể thao yêu thích khi một anh cấp quản lý bảo, trong ngày cuối tuần khi anh đi đánh golf thì hơn 30% nhân viên đang làm quá giờ.

Đằng sau những thành công của nhà F trong việc chinh phục thị trường phân phối trong nước, thị trường bán buôn, viễn thông cũng được anh Tiến chia sẻ phần nào. Câu chuyện làm việc với đối tác Nokia là một điển hình, tạo nên bước ngoặt lớn không chỉ cho FPT mà còn cho cả VN. "Chúng tôi biết được rằng không thể phân phối được nếu không giảm thuế, vì thuế cao nhà nhà sẽ nhập lậu, hàng chính hãng không có cửa cạnh tranh. FPT là nhân tố tích cực từng bước vận động giảm thuế, tạo ra đột phá cho chính sách thuế của VN", anh Tiến kể.

DSC-7196-JPG-1454-1494839546.jpg

Hội thảo kết thúc khá muộn vào 9h tối nhưng không một ai ra về sớm. Người tham dự còn nán lại để đặt thêm các câu hỏi cho diễn giả.

Người đứng đầu nhà Phần mềm FPT còn trình bày lý thuyết về quản trị con người 20-70-10 luôn mang lại hiệu quả cao và tạo động lực làm việc cho mọi con người trong tổ chức. "Lãnh đạo chỉ ra việc của người trong nhóm 20%, KPI, hai năm tới làm gì; nhóm này sẽ nói với nhóm 70% và 10% là nhóm được trao lựa chọn phải thay đổi hoặc rời khỏi công ty. Hãy vận dụng điều này, dù cấp bạn đang quản lý là cấp phòng, bộ phận của bạn sẽ khác chỉ trong vòng vài tháng vì ai cũng phải vận động".

Cũng trong nội dung buổi hội thảo, anh Tiến phân tích chiến lược của các ông lớn như Amazon, Facebook, Tesla, Uber để thấy được sự khác biệt và vận động không ngừng của các hãng công nghệ này. "Tìm ra những điều khác biệt của mình, để chọi lại các đối thủ tưởng chừng như đã là gã khổng lồ" là thông điệp của anh Tiến dành cho người tham dự. Anh cho rằng, khi đã "thấm" điều này thì có thể vận dụng ở mọi ngõ ngách, kể cả lấy lòng người đẹp. "Tôi từng "đấu" lại với một nhạc sĩ có giọng ca lãng tử bằng cách dám hát nhưng hát bằng tiếng Anh với nội dung "chiến lược" biểu thị chính nỗi lòng của bản thân".

Hội thảo "Chiến lược cạnh tranh - Tăng trưởng hay là chết" nằm trong chuỗi hội thảo quản trị của Viện Quản trị kinh doanh FPT (FSB) dành cho học viên MBA và MiniMBA. Tuy nhiên, hội thảo lần này, với diễn giả là anh Hoàng Nam Tiến, được mở rộng đối tượng đến các doanh nhân, đang là chủ tịch, làm việc trong ban điều hành, quản lý của các doanh nghiệp VN.

Ngoài chương trình học thiết thực, chuỗi hội thảo nhằm tạo cơ hội để các học viên giao lưu với những người thầy lớn trong lĩnh vực kinh doanh của VN và thế giới. Đây cũng là những doanh nhân và FSB đã tạo dựng được quan hệ tốt đẹp sau 20 năm phát triển.

Tìm hiểu thêm về chương trình MBA và MiniMBA của FSB ở đây hoặc liên hệ số hotline 0932 939 981 (Hà Nội), 0904 987 491 (TP HCM).

Bài hát chiến lược của FPT Software:

Ngọc Dung

Ảnh: Hà Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét